Giai đoạn phát triển mới
Qua thảo luận, xem xét chặt chẽ, bám sát thực tế, phù hợp mọi quy định của pháp luật đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra, HĐND tỉnh Long An đã thống nhất rất cao qua 18 nghị quyết quan trọng, cấp bách về kinh tế - xã hội. Đó là về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Đức Hòa đến năm 2045. Việc thông qua Quy hoạch tỉnh là nội dung đặc biệt quan trọng, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đây là kết quả của quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2010 - 2020; thể hiện ý chí, khát vọng phát triển mạnh mẽ của toàn Đảng bộ, quân và dân Long An khi chuyển sang giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững hơn.
Theo quy hoạch, không gian địa lý và phân vùng chức năng của Long An tiếp tục giữ định hướng phân thành ba vùng, trên cơ sở đó, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng vùng, theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu phát triển, cụ thể gồm: (1) Vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biên mậu và du lịch sinh thái (các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười); (2) Vùng đệm phát triển (huyện Đức Huệ và Thủ Thừa); (3) Vùng phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại - dịch vụ (các huyện còn lại và thành phố Tân An).
Theo quy hoạch, không gian địa lý và phân vùng chức năng của Long An tiếp tục giữ định hướng phân thành ba vùng, trên cơ sở đó, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng vùng, theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu phát triển, cụ thể gồm: (1) Vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biên mậu và du lịch sinh thái (các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười); (2) Vùng đệm phát triển (huyện Đức Huệ và Thủ Thừa); (3) Vùng phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại - dịch vụ (các huyện còn lại và thành phố Tân An).
Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển hình thành 1 trung tâm chính trị - hành chính; 3 vùng đô thị phía Đông, phía Tây, phía Bắc. Song song đó, sẽ hình thành 6 trục đường động lực lan tỏa, kết nối phát triển kinh tế-xã hội, đô thị, giao thông của vùng T với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Long An sẽ phát huy và khẳng định mạnh mẽ vai trò của mình trong việc kết nối hành lang phát triển kinh tế giữa Đông - Tây Nam bộ nói chung và hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An nói riêng.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã thông qua chính sách thu hút nhân lực y tế giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, đặt chỉ tiêu thu hút ít nhất 200 người có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ, Bác sỹ CKI, Bác sỹ CKII, Bác sĩ, Cử nhân xét nghiệm, Cử nhân hộ sinh, Cử nhân gây mê hồi sức. HĐND tỉnh cũng thông qua việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; cho chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị Trạm Y tế tuyến xã; cho chủ trương đầu tư nhiều công trình giao thông tại các địa phương Vùng Đồng Tháp Mười (cải tạo mặt đường và cống thoát nước ĐT.835, ĐT.830B; đầu tư dự án ĐT.836B; dự án ĐT.827 đoạn từ Lộ Ông Nhạc đến cầu Phú Lộc; đầu tư các cầu, cống trên tuyến ĐT.817; nâng cấp, mở rộng ĐT.836; đầu tư đường cặp kênh Sông Trăng đoạn từ biên giới đến Thạnh Hưng); thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp, thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư; quyết định mức chi cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đạt mức cao nhất, chất lượng nhất
Xác định các nghị quyết trên có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, nhất là là giải quyết khó khăn trong thu hút nhân lực ngành y tế - vấn đề được toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được yêu cầu, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương có kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, bảo đảm đúng quy định, kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh ngay trong tháng 11.2022.
Trong 10 tháng của năm 2022, kinh tế - xã hội Long An tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Dự báo năm 2022, tất cả 20/20 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội sẽ đạt và vượt theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt từ 9-9,5%.
Tuy nhiên, với tinh thần không được chủ quan, không tự thỏa mãn, mà phải quyết tâm hơn nữa, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được yêu cầu, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy vai trò, tính quyết liệt, tiên phong và các phẩm chất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật” của từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn dộng, dồn sức triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ còn lại trong những tháng cuối năm 2022.
Phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng qua 55 năm Long An được phong tặng 8 chữ Vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; tiếp nối tinh thần đi đầu, sáng tạo trong công cuộc đổi mới và tinh thần mở cửa, thích ứng nhanh, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền, toàn quân và dân tỉnh Long An tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành đồng quyết liệt, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy và Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2022 đạt mức cao nhất, chất lượng nhất.