TTO - Sau khi suy giảm sản xuất và xuất khẩu trong quý 2 vì dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp giãn cách, xuất khẩu nhiều ngành đã tăng trở lại, trong đó có nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh
Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp (DN) đã đồng hành cùng Chính phủ trong chống dịch, nỗ lực đưa kết quả sản xuất - kinh doanh tăng trưởng.
Những tín hiệu hồi phục
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) vừa thông báo đã trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba từ đầu năm Trung An trúng thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc với tổng khối lượng trúng thầu gần 49.000 tấn gạo các loại, chiếm 83% tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu gạo Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty Trung An, cho biết dù cũng chịu tác động của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách, doanh thu quý 3-2021 của Trung An đạt 500 tỉ đồng, tuy giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 66% nhờ tập trung xuất khẩu dòng gạo sạch cao cấp có giá xuất khẩu cao hơn.
Tính cả năm 2021, xuất khẩu của Công ty Trung An ước đạt trên 30 triệu USD, vẫn tăng 67% so với năm 2020.
Ông Bình cũng cho biết Hàn Quốc là thị trường khó tính, nhưng trong những năm qua công ty đã tổ chức mô hình cánh đồng lớn liên kết với hợp tác xã và nông dân ở nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL làm lúa theo tiêu chuẩn Global Gap, tiêu chuẩn hữu cơ đảm bảo chất lượng xuất khẩu nên được chấp nhận.
Ngoài các thị trường châu Á, Công ty Trung An cũng đã mở văn phòng đại diện tại Hamburg (Đức) để khai thác thị trường EU khi mức thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam giảm xuống theo hiệp định EVFTA.
Nhiều mặt hàng khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng trở lại sau giãn cách. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm sâu trong hai tháng liên tiếp do giãn cách xã hội, xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 đạt 918 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9.
Xuất khẩu hầu hết các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại.
Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), cũng cho hay tốc độ phục hồi của các DN ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán trong 2-3 tháng trước. Theo số liệu hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 12 tỉ USD, tăng tới 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 10-2021, tổng hợp xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 3,4 tỉ USD, giảm 15,6% so với tháng 10-2020 nhưng tăng 4,2% so với tháng 9-2021. Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành sau 10 tháng lên 38,75 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tốc độ này được giữ vững trong hai tháng còn lại thì mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD cả năm 2021 hoàn toàn khả thi.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Nhiều DN vẫn vươn lên trong bối cảnh khó khăn chung. Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho biết dù khó khăn về giãn cách nhưng do đã có sự chuẩn bị và thích ứng nên DN vẫn hoạt động đều đặn, mỗi năm xuất khẩu đem về 200 - 300 triệu USD, thị trường trong nước phát triển ấn tượng.
Ông nói: "Thời gian qua dịch bệnh nhưng chúng tôi chưa nghỉ ngày nào, sáu nhà máy vẫn sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi hơn 100 nước và cung ứng cho thị trường nội địa".
TS Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Công ty Fimex Việt Nam, cho biết việc rà soát lao động khi địa phương có ca nhiễm mới gây nhiều tốn kém, căng thẳng cho cả DN lẫn người lao động, chi phí cứ đội lên.
"Quan trọng là giữ vững an toàn trước khi triển khai sản xuất, an toàn mới sản xuất. Mong là các nhà điều hành DN tôm sẽ kịp thời giữ vững thành trì của từng DN, quyết tâm không để gãy đổ chuỗi sản xuất tôm", ông Lực nói.
Chính sách đồng bộ để DN vươn lên
Quan sát từ các DN, ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso) - cho rằng các DN hiện đang rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Giãn cách thời gian quá dài cũng đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gây tổn thất cho nhiều thành phần sản xuất.
"Nguyên liệu thiếu hụt, đi kèm là giá tăng cùng với sự gia tăng tiền lương, chi phí sản xuất để tuân thủ yêu cầu 5K nhưng chỉ hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài đã làm suy kiệt năng lực tài chính của DN", ông Kiệt nhìn nhận.
Các tổn thất này, theo ông Kiệt, sẽ đẩy DN vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Chưa kể tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm.
Do đó, các chính sách hỗ trợ DN tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp DN hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.HCM.
Ông Kiệt nhấn mạnh cần đặc biệt lưu ý việc điều phối chính sách phục hồi kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như an sinh xã hội, y tế, phòng chống dịch, tiêm vắc xin, lao động - việc làm, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo...
Cần sự thống nhất xuyên suốt cả trong nhận thức và thực thi từ chính quyền cấp phường/xã, quận/huyện cho đến cấp thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Báo Tuổi Trẻ