Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An vừa khởi công dự án khu công nghiệp (KCN) Việt Phát tại Long An, hôm 17/5. Dự án rộng 1.800 ha, được chủ đầu tư quy hoạch hiện đại, theo mô hình kết hợp giữa KCN và khu đô thị. Diện tích đất dành cho KCN hơn 1.200 ha và đất dành cho đô thị hơn 625 ha.
Theo chủ đầu tư, toàn bộ diện tích đất tại đây đã được giải phóng mặt bằng, sẵn sàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư. Tân Thành Long An lựa chọn những đối tác hàng đầu thế giới như Surbana Jurong (top 50 công ty thiết kế, quy hoạch đô thị trên thế giới), JLL... để phát triển KCN theo hướng kinh tế xanh, bền vững và đón đầu làn sóng đầu tư mới.
Khởi công dự án KCN Việt Phát 1.800 ha tại Long An.
Cũng tại Long An, một dự án khác đã khởi công giai đoạn 3 là KCN Đức Hòa III - SLICO, hôm 15/5. Trong tháng 3, tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes cho các công ty con là Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty Cổ phần Phát triển Thành phố Xanh để tái cơ cấu sở hữu nội bộ. Đây là động thái chiến lược, đánh dấu sự tham gia của tập đoàn này vào phát triển bất động sản KCN.
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp lớn cùng có những hoạt động liên quan đến lĩnh vực khu công nghiệp trong giai đoạn này.
"Dòng vốn FDI đang chuyển biến rất mạnh, tìm đến Việt Nam. Chúng tôi nhìn ra cơ hội đang rất lớn nên quyết định khởi công đúng thời điểm vàng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới này", ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Thành Long An nói.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Lê Thành, đại diện chủ đầu tư tặng quà cho bà con Long An bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Covid-19 khiến các công ty phải đa dạng hóa quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một trong những địa điểm được nhắm tới. Đây được xem là cơ hội để Việt Nam thành một mắt xích quan trọng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sau Covid-19.
Mới đây, Mỹ công bố kế hoạch thành lập "Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng", dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và mời nhiều nước tham gia đối thoại, trong đó có Việt Nam. Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand thảo luận những vấn đề nóng như Covid-19 và phương thức chống sự lây lan của dịch này. Nhưng theo Reuteurs, vấn đề mấu chốt của thảo luận này là tìm cách giảm thiểu tác động của dịch tới nền kinh tế toàn cầu, thông qua sáng kiến được Mỹ thành lập.
Hãng tin này cho rằng, chưa rõ quốc gia nào sẽ nằm trong mạng lưới, nhưng chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, thì đây sẽ là những quốc gia được nhắm đến.
"Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, khi trước đó quá phụ thuộc vào một quốc gia", hãng tư vấn JLL Việt Nam nhận định. "Covid-19 có thể là chất xúc tác, thúc đẩy quá trình dịch chuyển này nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghệp trong tương lai".
Đại diện Tân Thành Long An nhận định, nếu những khu công nghiệp quy mô lớn được coi như những cái tổ để đón "đại bàng" lớn về thì khu vực Long An được xem là một khu rừng. Quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất còn thấp, hạ tầng giao thông đồng bộ... đang là những ưu thế giúp Long An trở thành điểm nóng, hút giới đầu tư, đặc biệt là bất động sản công nghiệp.
Long An giáp ranh với TP HCM, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, cầu nối giúp thúc đẩy sự phát triển của hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là lợi thế giúp tỉnh này thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Những năm qua, tỉnh đã tập trung hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Hiện, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông đang được tỉnh đầu tư hoàn thiện, đồng bộ và hứa hẹn mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Về cơ sở hạ tầng, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn tới năm 2020, tầm nhìn 2030. Cụ thể, tỉnh này đang hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, 50, 62, N2 nối từ Củ Chi tới vùng Đồng Tháp Mười. Quốc lộ N1 chuẩn bị được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Long An hưởng lợi từ tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ. Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được đầu tư xây dựng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này hứa hẹn tạo ra trục phát triển mới, kết nối Long An với hệ thống cảng Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành...
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.009 dự án, số vốn 6,15 tỷ USD. Trong tương lai, con số này được dự đoán sẽ tăng bởi Long An dự kiến trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Nam.
Theo vnexpress