Công nghiệp thúc đẩy sự phát triển
Hiện nay, Long An có gần 12.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Sản xuất công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH địa phương, giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh phải kể tới huyện Đức Hòa. Huyện có gần 6.000ha đất công nghiệp được phê duyệt quy hoạch, gồm có 11 khu công nghiệp (KCN) và 20 cụm công nghiệp (CCN) (trong đó: 6 KCN, diện tích 2.090ha, có 893 DN đang hoạt động, lấp đầy trung bình 81,88%; 10 CCN, diện tích 559ha, có 477 DN đang hoạt động, lấp đầy trung bình 95,72%). Bên cạnh đó, Đức Hòa còn có 71 dự án khu dân cư, thương mại, dịch vụ có diện tích 1.516ha. Tất cả đều là những điều kiện quan trọng để huyện phát triển công nghiệp theo đúng hướng.
Đại diện Ban Quản lý KCN Hải Sơn (huyện Đức Hòa) cho biết: "Tỉnh, huyện luôn đồng hành trong quá trình hoạt động, giúp đơn vị an tâm hoạt động, phát triển sản xuất. Đơn vị đang cố gắng thu hút đầu tư, đẩy mạnh lấp đầy toàn khu. Điều này không chỉ giúp đơn vị hoàn thành hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm cộng đồng của DN. Toàn khu rộng hơn 500 ha, lấp đầy đạt hơn 95% với khoảng 400 DN thứ cấp về đầu tư, với hàng ngàn công nhân đang làm việc tại đây".
Long An trở thành một trong những địa bàn thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Báo Long An)
Tương tự, Bến Lức cũng là địa phương phát triển trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều việc làm, giải quyết các bài toán về lao động, đóng góp thiết thực vào các hoạt động an sinh xã hội, tăng thu ngân sách,...
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Lavifood Lavifood (hoạt động trong KCN An Thạnh, huyện Bến Lức) có thể xem là một trong những DN chuyên sơ chế, sản xuất, chế biến các loại trái cây, rau, củ, quả và các nông sản chất lượng cao. Theo đại diện Công ty Cổ phần Lavifood - Đặng Ngọc Cẩn, đơn vị có trên 80 sản phẩm từ các loại rau, củ, quả,... chủ yếu xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Singapore,...
Những năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh Long An không ngừng phát triển. Nhờ những chính sách, quyết sách đúng đắn trong điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, công tác thu hút đầu tư được tập trung thực hiện, cải thiện môi trường đầu tư... Long An đã trở thành "điểm sáng" trong thu hút đầu tư trong vùng, cũng như cả nước. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là nhiệm vụ quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp các địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT trên địa bàn.
Tăng cường bảo vệ môi trường
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, hoạt động giám sát của người dân, các chủ đầu tư hạ tầng khu, CCN cũng tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan đến BVMT, đặc biệt là trong việc xử lý nước thải. Đồng thời, các chủ đầu tư hạ tầng khu, CCN còn phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn nhằm phổ biến các quy định mới của pháp luật về BVMT, từ đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của các DN thứ cấp, người lao động, kêu gọi cùng chung tay, phối hợp thực hiện.
Nhắc đến điển hình đi đầu về công tác BVMT phải kể tới chủ đầu tư hạ tầng của KCN Tân Đức, hiện đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải trong khu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn thường xuyên làm việc với các DN thứ cấp về BVMT. Từ đó, công tác BVMT càng đi vào nền nếp hơn. Các DN nâng cao trách nhiệm hơn trong vấn đề này.
KCN Tân Đức tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan đến BVMT.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (chủ đầu tư hạ tầng KCN Tân Đức) - Trần Hồng Ân, toàn khu có tổng diện tích 545ha, chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 diện tích 270ha, giai đoạn 2 diện tích 275ha), có 186 DN thứ cấp đang hoạt động. Công ty luôn phối hợp chặt chẽ ngành chức năng, địa phương trong việc BVMT. Khi về đầu tư, khu đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải của các DN thứ cấp hoạt động tại đây. Công ty đã cho đi vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải của khu có công suất 9.000m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, các nguồn thải khác cũng được đơn vị ký hợp đồng đầy đủ với các DN có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý đúng nơi quy định.
Một đại diện hoạt động trong KCN Tân Đức là Tổng Công ty Bao bì Liksin cho biết, Công ty thường xuyên phổ biến cho người lao động nắm bắt, tạo thói quen tích cực cho họ bằng những hành động cụ thể trong việc BVMT. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ ngành chức năng, ban quản lý khu, địa phương thực hiện nhiều hoạt động liên quan trong đến vấn đề này.
Cùng với đó, toàn KCN Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) có tổng diện tích 117ha, 23 DN đang hoạt động, với khoảng 13.000 lao động làm việc . Nhưng lãnh đạo KCN luôn tăng cường các buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về BVMT đến các DN thứ cấp cũng như công nhân, lao động. Thông qua đó, kêu gọi họ chung tay BVMT. Đồng thời, tập trung kiểm soát tốt chất thải, nguồn thải trong khu, tránh gây ô nhiễm môi trường. Các DN thứ cấp được kịp thời bổ sung kiến thức pháp luật về BVMT thông qua các hoạt động do ban quản lý khu phối hợp ngành chức năng, địa phương thực hiện.
Tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. (Ảnh: Báo Long An)
Giám đốc Hành chính - Quản trị KCN Hòa Bình - Đặng Trung Tín cho biết: “Công ty luôn thực hiện đầy đủ các quy định về BVMT. Khu luôn tăng cường quản lý tốt các nguồn thải, chất thải của các DN thứ cấp hoạt động tại đây. Hiện đã có Nhà máy xử lý nước thải của khu có công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm. Đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, kiểm tra. Nhờ đó mà có thể biết được các chỉ số, từ đó có những điều chỉnh, hiệu chỉnh để bảo đảm khi xả thải ra bên ngoài đạt chuẩn theo quy định. Các báo cáo về môi trường, xử lý môi trường đều được đơn vị tổng hợp đầy đủ, gửi về ngành chức năng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, trong khu luôn duy trì nhân viên và đội chăm sóc cây xanh, vừa tạo diện mạo, cảnh quan, vừa điều hòa không khí, BVMT”.
Đại diện Cty TNHH MTV ASG Toàn Cầu (hoạt động trong KCN Hòa Bình) - Cao Thị Tố Uyên chia sẻ: “Công ty không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về BVMT mà còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người lao động để phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn về môi trường do ban quản lý khu phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức, Công ty nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của DN trong vấn đề này, từ đó tự giác thực hiện, tham gia đầy đủ các hoạt động BVMT mỗi khi khu hoặc địa phương phát động”.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Tân Thuấn chia sẻ: Hàng năm, Sở đều phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT trên địa bàn, nhất là các DN hoạt động trong khu, cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung kiểm tra những vấn đề dễ phát sinh ô nhiễm môi trường; tổ chức các buổi tập huấn để tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật về BVMT; gửi các công văn yêu cầu chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về Sở để theo dõi, quản lý…
Những động thái tích cực đã, đang triển khai của tỉnh trong bảo vệ môi trường hứa hẹn sẽ mang lại kết quả khả quan cho Long An. Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.
Tổng hợp - Quocquang.vn