“Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã xuất hiện các làn sóng người lao động “tháo chạy” khỏi các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Điều này cho thấy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế”.
Nguồn: Tham khảo
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về chiến lược phát triển nhà ở xã hội.
Thưa ông, Bộ Xây dựng đánh giá thế nào về nhu cầu nhà ở xã hội trên cả nước hiện nay?
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Cụ thể, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Nguồn: Tham khảo
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, nhất là tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết.
Được biết, mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói hỗ trợ lên tới 65.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Nguồn vốn này lấy từ đâu, thưa ông?
Thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Số tiền đó được huy động từ hai gói tín dụng. Thứ nhất là gói 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định. Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Thứ hai là gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi bao gồm công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.
Thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh nguồn vốn thì các giải pháp về đất đai, về cơ chế, chính sách cũng rất quan trọng. Vậy, những giải pháp này sẽ được thực hiện theo hướng nào?
Về quy hoạch và quỹ đất, Bộ Xây dựng đã nêu rõ: trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc. Trường hợp khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ - thương mại trong khu công nghiệp chưa được sử dụng hết thì giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để cho thuê; trường hợp quỹ đất dịch vụ - thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND cấp tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để dành quỹ đất cho đầu tư nhà lưu trú công nhân.
Về cơ chế đặc thù đối với các dự án tham gia trong gói tín dụng 50.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Bộ Xây dựng kiến nghị một số cơ chế, chính sách như sau:
Về vấn đề lựa chọn chủ đầu tư, trường hợp các dự án nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp thuê thì giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp làm chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi đất kinh doanh – dịch vụ của khu công nghiệp đó. Trường hợp các dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật hiện hành về đầu tư, pháp luật đấu thầu, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở.
Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/CP, Nghị định số 49/2021/CP và các pháp luật khác liên quan.
Chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp thuê nhà công nhân để bố trí cho công nhân của mình lưu trú; được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê thì chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.
Điều nhiều người quan tâm nhất là chất lượng, giá bán và cho thuê nhà ở xã hội sẽ như nào?
Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê phải được quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian, hài hòa kiến trúc cảnh quan trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về quy hoạch, xây dựng, nhà ở, phòng cháy chữa cháy…Đảm bảo đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê, đặc biệt tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Còn giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua đối với các dự án nhà ở xã hội thì được thực hiện theo pháp luật nhà ở xã hội hiện hành. Riêng giá thuê đối với các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê thì do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ trên đề nghị của chủ đầu tư, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng và thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.
Hiện cả nước có 278 dự án nhà ở xã hội đang triển khai (nhưng hầu hết chậm tiến độ do thiếu vốn, đặc biệt là sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc) với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng. Trong đó có 178 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với quy mô xây dựng 140.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng; 100 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.
Theo: vneconomy